Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, tình trạng vi khuẩn Hp kháng thuốc ngày càng gia tăng mạnh và trở thành một vấn đề được báo động trên toàn cầu. Điều này gây khó khăn cho việc điều trị bệnh và làm gia tăng gánh nặng cho bệnh nhân về chi phí chữa bệnh khi buộc phải thay thế loại kháng sinh cũ đã bị kháng bằng các loại kháng sinh mới đắt đỏ hơn. Do vậy, việc nhận biết được cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn Hp và biết được cách điều trị vi khuẩn Hp kháng thuốc thích hợp sẽ là cách để bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân, tránh được sự lãng phí về thời gian cũng như tiền bạc.
Cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn Hp
Tại sao vi khuẩn Hp lại kháng được thuốc kháng sinh? Để tìm ra câu trả lời, từ lâu các nhà khoa học đã tiến hành rất nhiều cuộc nghiên cứu để tìm ra cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn Hp. Kết quả cho thấy loại vi khuẩn này có thể làm mất tác dụng của thuốc kháng sinh vì những lý do sau đây:
- Thứ nhất: Vi khuẩn Hp có khả năng gia tăng củng cố các màng bảo vệ của chúng, đồng thời sử dụng các bơm đẩy từ bên trong tế bào để loại bỏ kháng sinh ra bên ngoài.
- Thứ 2: Chúng có khả năng tự sản xuất và tổng hợp nên các enzym có tác dụng phân hủy kháng sinh
- Thứ 3: Sự biến đổi gen trên nhiễm sắc thể làm cho kháng sinh không còn đủ mạnh để có khả năng ức chế sự tổng hợp protein
Hiện nay tỷ lệ vi khuẩn Hp kháng thuốc đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn và gây tốn kém thời gian, tiền bạc của người bệnh. Thống kê cho thấy, trong tổng số bệnh nhân được điều trị với phác đồ đầu tiên thì có tới 50% gặp thất bại, thậm chí ở trẻ em con số này còn lớn hơn rất nhiều. Việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi, không tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ được cho là nguyên nhân khiến cho vi khuẩn Hp ngày càng có khả năng kháng thuốc mạnh mẽ hơn.
Cách nhận biết vi khuẩn Hp kháng thuốc
Thông thường để biết chính xác được vi khuẩn Hp có bị kháng thuốc hay không thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân làm kháng sinh đồ. Quy trình thực hiện được tiến hành như sau:
- Thực hiện nội soi dạ dày và kết hợp lấy một mảnh niêm mạc dạ dày có chứa vi khuẩn Hp để làm sinh thiết
- Sử dụng mẫu bệnh phẩm thu được để nuôi cấy vi khuẩn Hp trong môi trường đặc biệt tại phòng thí nghiệm
- Lần lượt sử dụng nhiều loại kháng sinh để thử tính nhạy cảm của vi khuẩn Hp với từng loại thuốc
Sau vài ngày nuôi cấy và thử nghiệm, nếu vi khuẩn Hp vẫn tiếp tục có khả năng phát triển và sinh sôi được trong môi trường nuôi cấy kháng sinh thì chứng tỏ rằng vi khuẩn đã kháng lại loại kháng sinh đó. Lẽ dĩ nhiên loại thuốc này sẽ không còn được sử dụng trong phác đồ điều trị nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày ở người bệnh.
Trên thực tế việc làm kháng sinh đồ khá tốn kém nên thường chỉ được sử dụng trong nghiên cứu khoa học. Việc xác định vi khuẩn Hp kháng thuốc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ điều trị rút ra được sau một thời gian cho bệnh nhân sử dụng thuốc.
Phương pháp điều trị vi khuẩn Hp kháng thuốc
Việc điều trị Hp kháng thuốc sẽ trở nên khó khăn hơn so với trước đây rất nhiều. Lý do bởi vi khuẩn Hp đã có những biến đổi rất tinh vi và có sức chịu đựng tốt hơn. Thêm vào đó phần lớn bác sĩ chỉ dự đoán vi khuẩn Hp kháng thuốc bằng kinh nghiệm nên khó có thể xác định được chính xác vi khuẩn Hp ở người bệnh còn nhạy cảm với kháng sinh nào để lựa chọn được phác đồ điều trị tiếp theo cho phù hợp.
Trong phác đồ điều trị Hp kháng thuốc thường có ít nhất 2 loại kháng sinh được kết hợp chung với một loại thuốc làm giảm tiết axit dạ dày giúp làm tăng hiệu quả điều trị. Các loại thuốc kháng sinh thường được lựa chọn trong phác đồ tiêu diệt vi khuẩn Hp kháng thuốc bao gồm: Amoxicillin, Tetracyclin, Metronidazol, Levofloxacin, Clarithromycin.
Amocilin là thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong phác đồ điều trị vi khuẩn Hp kháng thuốc
Dưới đây là phác đồ điều trị vi khuẩn Hp kháng thuốc đang được bộ Y tế phê chuẩn:
1. Phác đồ điều trị 3 thuốc: Dùng trong 10-14 ngày
a) PPI + Amoxicillin + Clarithromycin : Áp dụng cho bệnh nhân ở khu vực các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Đây là những nơi có tỷ lệ kháng Clarithromycin thấp.
b) PPI + Amoxicillin + Metronidazole: Dành cho người bị nhiễm Hp sống ở các tỉnh thành phía Nam, nơi có tỷ lệ kháng Clarithromycin cao.
2. Phác đồ điều trị Hp 4 thuốc: Một đợt điều trị kéo dài 10-14 ngày, sử dụng khi phác đồ 3 thuốc gặp thất bại
a) Có Bismuth: PPI + Bismuth + Tetracyclin + Metronidazole
b) Không có Bismuth: PPI + Amoxicillin + Clarithromycin + Metronidazole
3. Phác đồ điều trị vi khuẩn Hp kháng thuốc liên tiếp
- Dùng PPI + Amoxicillin trong 5 ngày đầu
- Sau đó dùng PPI + Clarithromycin + Tinidazole trong 5 ngày tiếp theo
4. Phác đồ diệt Hp 3 thuốc có Levofloxacin: Dùng 10 ngày liên tiếp khi các phác đồ khác gặp thất bại
PPI + Amoxcillin + Levoflloxacin
Liều lượng và cách sử dụng các thuốc có trong phác đồ:
+ PPI: Ngày uống 2 lần trước khi ăn 30 phút
+ Amoxicillin (1000mg): Ngày uống 2 lần sau khi ăn no
+ Các thuốc Clarithromycin, Metronidazole, Levoflloxacin: Dùng liều 500mg x 2 lần/ ngày sau ăn
+ Tetracyclin ( 500mg): mỗi ngày uống 4 lần sau ăn
+ Bismuth (120mg) : Ngày uống 4 lần khi đói bụng
Trong quá trình điều trị vi khuẩn Hp kháng thuốc bệnh nhân cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian bác sĩ đã chỉ định
- Không tự ý ngưng thuốc đột ngột hoặc tự ý giảm liều khi thấy bệnh tình thuyên giảm
- Không sử dụng lại đơn thuốc cũ để mua thuốc về tiếp tục uống. Nếu hết thuốc thì nên đến bệnh viện tái khám lại để bác sĩ kiểm tra, điều chỉnh phác đồ điều trị cho phù hợp.
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh trong khâu ăn uống. Không dùng chung đồ dùng cá nhân như chén, đũa để tránh lây lan bệnh cho các thành viên trong gia đình.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!