Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu ( giai đoạn 1) thường không biểu hiện ra nhiều triệu chứng nên nếu không để ý thì bệnh nhân khó mà phát hiện mình mắc bệnh. Để điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu , bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày bị ảnh hưởng. Cùng với đó các phương pháp hóa trị, xạ trị có thể được chỉ định kèm theo để thu nhỏ khối u, giúp nâng cao tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật.
Các triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn đầu
Y học chia giai đoạn đầu của ung thư thành hai giai đoạn phát triển ngắn là 1A và 1B. Nếu như ở giai đoạn 1A tế bào ung thư còn nằm trong lớp lót của dạ dày hoặc đã phát triển vào thành cơ thì ở giai đoạn 1B ung thư đã phát triển vượt ra ngoài lớp lót của dạ dày nhưng chưa lây lan đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu chưa có nhiều triệu chứng nên khó phát hiện sớm
Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 1 hiếm khi gây ra triệu chứng. Đây là một trong những lý do khiến ung thư dạ dày khó phát hiện sớm. Các dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn đầu có thể bao gồm:
- Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng
- Giảm cân mặc dù không đang trong giai đoạn tập luyện hay ăn kiêng nhằm mục đích ép cân nặng xuống thấp
- Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng thượng vị. Đôi lúc có cảm giác bỏng rát, khó chịu ở vùng bụng trên rốn.
- Ợ nóng hoặc khó tiêu
- Buồn nôn, nôn mửa, có hoặc không có máu
- Bụng chướng căng hoặc có chất lỏng tích tụ trong bụng
- Có máu trong phân khi đi ngoài hoặc phân có màu đen như hắc ín
- Thiếu máu, da dẻ xanh xao, trong người mệt mỏi. Đây là hậu quả của việc đi ngoài ra máu và biếng ăn trong một thời gian dài.
Hầu hết các triệu chứng này đều xảy ra ở những căn bệnh khác ngoài ung thư, chẳng hạn như viêm loét dạ dày hoặc nhiễm vi khuẩn Hp. Chúng cũng có thể xảy ra với các loại ung thư khác. Do vậy nếu đang gặp bất cứ vấn đề nào tương tự như trên, đặc biệt là khi đã tự chữa trị tại nhà nhưng không khỏi và các triệu chứng thêm tồi tệ thì nên đến các chuyên khoa tiêu hóa để tìm ra nguyên nhân và được điều trị sớm.
Thực tế cho thấy,do triệu chứng của ung thư dạ dày thường không xuất hiện cho đến khi bệnh tiến triển, chỉ có khoảng 1/ 5 số bệnh nhân bị ung thư dạ dày được phát hiện trong giai đoạn sớm trước khi tế bào ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Cách điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu
Việc điều trị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí của khối u ác tính nằm trong dạ dày, mức độ tiến triển của ung thư và tình trạng sức khỏe chung của người bệnh.
– Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 1A:
Đa số những người bị ung thư dạ dày ở giai đoạn I thường được bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày thông qua qua nội soi hoặc mổ hở. Nếu ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết ở gần đó thì chúng cũng sẽ được cắt bỏ trong cuộc phẫu thuật. Đối với những khối u có kích thích còn nhỏ thì thường bệnh nhân không cần phải điều trị thêm các phương pháp khác sau phẫu thuật.
Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu
– Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 1B:
Việc điều trị chính cho giai đoạn này của ung thư dạ dày là vẫn là phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày bị ảnh hưởng hay toàn bộ dạ dày. Hóa trị liệu hoặc xạ trị có thể được đề nghị trước hay sau phẫu thuật để thu nhỏ khối u giúp cho việc cắt bỏ nó được dễ dàng hơn, đồng thời ngăn ngừa ung thư tái phát trở lại.
Sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu bệnh nhân cần được chăm sóc bằng một chế độ khoa học để nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Cụ thể như sau:
- Về chế độ dinh dưỡng: Trong những ngày đầu bệnh nhân chủ yếu được nuôi dưỡng bằng đường truyền dịch. Khi được bác sĩ cho phép có thể bắt đầu cho người bệnh ăn các thức ăn lỏng, mềm và dễ tiêu hóa, chẳng hạn như cháo loãng, súp,canh… Sau đó điều chỉnh độ đặc cho tăng dần để dạ dày dần thích nghi với chế độ ăn uống bình thường trở lại. Tránh cho người bệnh ăn đồ chua, cay nóng, uống rượu hay hút thuốc lá cũng như các chất gây kích thích niêm mạc dạ dày khác.
- Người nhà cần tiến hành theo dõi nếu bệnh nhân có bất kì biểu hiện nào bất thường như trướng hơi, đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, nhiễm trùng hay chảy máu vết mổ …thì cần báo ngay cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời.
- Trong vòng 1 tuần đầu sau phẫu thuật người bệnh cần được nghỉ ngơi trên giường, tránh đi lại nhiều ảnh hưởng đến vết mổ.
- Thông thường sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày bệnh nhân sẽ được nằm viện 6-8 ngày để được bác sĩ theo dõi và chăm sóc một cách tốt nhất. Người bệnh sẽ được dùng một số loại thuốc hỗ trợ giảm đau, kháng viêm…và được thay băng thường xuyên để tránh nhiễm trùng vết mổ.
Trong trường hợp bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe không thể chịu đựng được ca phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ được tiến hành điều trị bằng hóa trị hay xạ trị. Điều này sẽ được quyết định sau khi trải qua các xét nghiệm cần thiết cũng như kiểm tra chức năng của tim, phổi để đảm bảo tính phù hợp, an toàn và hiệu quả nhất cho người bệnh.
Mặc dù đã được điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu khỏi hoàn toàn, bệnh nhân vẫn cần đi tái khám định kì theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tiến trình hồi phục sức khỏe cũng như tầm soát ung thư tái phát trở lại.
BẠN CÓ THỂ TÌM HIỂU THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!