Phẫu thuật được xem là một trong ba phương pháp nên tảng của điều trị ung thư dạ dày và đây cũng là phương pháp điều trị ung thư ra đời sớm nhất. Đối với những bệnh nhân bị ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thì phẫu thuật là sự lựa chọn đầu tiên và chủ yếu nhằm cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày tùy theo mức độ xâm lấn của ung thư. Trong khi đó, ở giai đoạn cuối của ung thư dạ dày, phẫu thuật cũng rất cần thiết nhằm lặp lại khả năng lưu thông ở đường tiêu hóa và kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Dưới đây là những phương pháp phẫu thuật ung thư dạ dày mới nhất đang được ứng dụng tại các bệnh viện.
Các phương pháp phẫu thuật ung thư dạ dày hiện nay
Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày được áp dụng, trong đó phổ biến nhất là hai phương pháp mổ hở và phẫu thuật nội soi. Việc chỉ định phương pháp nào sẽ do bác sĩ quyết định sau khi xem xét nhiều khía cạnh như : Tình trạng sức khỏe của người bệnh hoặc mức độ xâm lấn của các tế bào ung thư.
1. Phẫu thuật mổ hở
Mổ hở là phương pháp cắt bỏ dạ dày truyền thống. Sau khi bệnh nhân được chích thuốc gây mê, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường lớn trên ổ bụng để có thể tiếp cận được với vị trí khối u nằm trong dạ dày. Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần dạ dày bị ung thư và một ít mô lành xung quanh đối với các khối u ác tính còn nhỏ và nằm ở vị trí phía dưới dạ dày.
Một số trường hợp có thể phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày khi có khối u nằm phía trên dạ dày có vị trí gần với thực quản hoặc các tế bào ung thư đã di căn ra xa. Lúc này bệnh nhân không chỉ phải cắt bỏ dạ dày mà một phần các cơ quan lân cận trong ổ bụng đã bị ung thư xâm lấn cũng sẽ được loại bỏ ngay trong ca phẫu thuật.
2. Phẫu thuật ung thư dạ dày bằng nội soi
So với phương pháp mổ hở thì phẫu thuật nội soi khá kén chọn, thực tế chỉ có những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày giai đoạn đầu mới được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật nội soi. Lý do bởi lúc này các tế bào ung thư chưa phát triển ra khỏi thành dạ dày và các hạch bạch huyết cũng chưa bị ảnh hưởng.
Quá trình phẫu thuật nội soi điều trị ung thư dạ dày diễn ra khá đơn giản. Đầu tiên bệnh nhân được bác sĩ luồn một ống nội soi mềm vào trong dạ dày thông qua đường miệng và cổ họng. Nhờ hệ thống camera siêu nhỏ gắn ở đầu ống nội soi bác sĩ có thể quan sát, tiếp cận được với khối u bên trong dạ dày và tiến hành đưa các dụng cụ phẫu thuật cần thiết qua ống nội soi vào cắt bỏ phần dạ dày bị bệnh.
Phương pháp phẫu thuật nội soi được đánh giá là có rất nhiều ưu điểm như : Không gây ra vết thương hở ngoài da nên bệnh nhân ít đau, không mất nhiều máu, thời gian bình phục nhanh, ít để lại biến chứng. Hiện nay Nhật Bản là đất nước đi đầu trong việc ứng dụng phẫu thuật nội soi vào trong điều trị ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, phương pháp này cũng đã được triển khai tại các bệnh viện lớn như bệnh viện K, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Ung Bướu TPHCM…
3. Phương pháp đặt ống cho bệnh nhân sau phẫu thuật
Trước đây bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị ung thư thường được cung cấp chất dinh dưỡng thông qua đường tĩnh mạch do chưa thể tự ăn uống được bằng đường miệng. Tuy nhiên phương pháp này có nhiều bất lợi, do việc nuôi dưỡng thông qua tĩnh mạch hoàn toàn nên dạ dày và ruột rơi vào tình trạng trống rỗng nên khiến cho vi khuẩn dễ dàng phát triển gây nhiễm trùng, nhiễm độc máu. Phương pháp đặt ống thông hỗ trợ ăn uống ra đời đã khắc phục được những nhược điểm này.
Thông thường bệnh nhân sẽ được đặt ống thông ngay trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ dạ dày. Một đầu ống sẽ được đặt bên ngoài da bụng và đầu còn lại thì đặt trong ruột. Ống thông này sẽ giúp đưa thức ăn dưới dạng chất lỏng vào trong ruột nhằm đảm bảo bệnh nhân vẫn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để mau chóng bình phục sức khỏe.
4. Phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết
Trong trường hợp các tế bào ung thư đã lây lan đến hạch bạch huyết lân cận thì phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư này sẽ được tiến hành song song cùng với quá trình cắt bỏ dạ dày. Thông thường, trong ca phẫu thuật sẽ có ít nhất 15 hạch bạch huyết được cắt bỏ.
Những vấn đề thường gặp phải sau phẫu thuật ung thư dạ dày
Sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến cho người bệnh mệt mỏi như:
– Có cảm giác đầy bụng: Sau phẫu thuật, dù chỉ bị cắt bỏ một phần nhưng dạ dày của người bệnh cũng không còn khả năng co giãn như trước. Trong trường hợp bị cắt bỏ hết dạ dày thì phần ruột non sẽ phải căng ra để lưu trữ và tiêu hóa lượng thức ăn nhiều hơn. Do vậy mà cảm giác đầy bụng, khó chịu là không thể tránh khỏi. Để giảm thiểu tình trạng này bệnh nhân nên ăn nhiều bữa hơn, mỗi bữa ăn ít một nhằm giảm thiểu gánh nặng cho đường ruột.
– Hội chứng Dumping: Còn được gọi là hội chứng dạ dày trống rỗng – là một biến chứng thường gặp sau phẫu thuật ung thư dạ dày do thức ăn di chuyển quá nhanh vào trong ruột non. Hội chứng này có thể gặp sau khi ăn khiến cho bệnh nhân bị giảm huyết áp đột ngột, giảm lượng đường trong máu và có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt.
– Tiêu chảy: Đây là vấn đề thường gặp nhất ở những bệnh nhân được điều trị ung thư dạ dày bằng phẫu thuật. Tình trạng này có thể kéo dài trong một vài ngày. Nếu quá nghiêm trọng bác sĩ sẽ kê thuốc chống tiêu chảy cho bệnh nhân sử dụng vào mỗi buổi sáng.
– Nôn ói vào buổi sáng: Một số trường hợp bệnh nhân được phẫu thuật ung thư dạ dày còn bị nôn vào buổi sáng . Nguyên nhân là do mật và các dịch tiêu hóa được tích tụ ở tá tràng vào ban đêm có thể bị chảy ngược trở lại vào phần dạ dày chưa bị cắt bỏ và kích thích gây nôn ói, mệt mỏi.
– Đau bụng, xì hơi: Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này còn phụ thuộc vào mỗi bệnh nhân. Người bệnh được khuyên sử dụng nước ấm có pha chút tinh dầu bạc hà và tránh dùng nước ngọt có ga, đồ ăn chua cay để khắc phục vấn đề này.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!