Viêm dạ dày đang được xem là căn bệnh của thời đại công nghiệp. Hằng năm tỷ lệ người bệnh viêm dạ dày mới đang có xu hướng trẻ hóa. Khi mắc phải viêm dạ dày, việc điều trị sẽ tốn kém không ít thời gian, công sức cũng như tiền bạc. Chính vì vậy phòng ngừa viêm dạ dày trong cộng đồng là vấn đề cấp bách hiện nay.

Phòng ngừa viêm dạ dày trong cộng đồng
1.Thời gian ăn uống hợp lí
Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc của dạ dày. Dạ dày của bạn sẽ dựa theo giờ sinh học để điều tiết một lượng lớn dịch vị vào thời điểm mà bạn thường dùng bữa. Nếu lượng dịch vị tiết ra không được sử dụng để tiêu hóa thức ăn, chúng sẽ gây bào mòn lớp niêm mạc dạ dày của bạn. Về lâu dài, điều này sẽ dẫn đến những cơn đau dạ dày cũng như gây ra tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng. Chính vì thế bạn không nên ăn uống thất thường mà nên ăn đúng giờ để hệ tiêu hóa hoạt động tốt nhất.

Các chuyên gia cũng khuyên bạn không nên ăn khuya bởi như các cơ quan khác, dạ dày của bạn cũng cần có thời gian để nghỉ ngơi. Tốt nhất bạn không nên ăn tối quá khuya, nên ăn trước 10 giờ tối là tốt nhất cho dạ dày của bạn, tránh được áp lực cho hệ tiêu hóa của bạn.
2.Chú ý lượng thức ăn sử dụng
Khi tiêu thụ các loại thực phẩm, bạn cũng nên chú ý đến lượng thực phẩm tiêu thụ. Không nên ăn một lượng lớn thức ăn cùng một lúc để tránh dạ dày không bị quá tải trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Dạ dày của bạn khi bị quá tải sẽ tăng tiết thêm rất nhiều acid dạ dày để hỗ trợ tiêu hóa lượng thức ăn tồn đọng. Điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe dạ dày về lâu dài.
Nếu đã ăn nhiều mà bạn vẫn cảm thấy bữa ăn chưa đủ no, có thể bổ sung các bữa phụ sau đó chứ không nên cố ăn thêm. Cách này sẽ đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể bạn cũng như giúp cho dạ dày tránh được sự quá tải.

3.Cách chế biến thức ăn
Cách chế biến thức ăn cũng có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe tiêu hóa của bạn. Thống kê cho thấy người thường xuyên dùng các món ăn chế biến với nhiều dầu mỡ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa, các vấn đề về huyết áp, tim mạch cao hơn so với người bình thường. Bạn nên hạn chế một số cách chế biến gây khó tiêu, đòi hỏi dạ dày tăng tiết acid như:
- Chiên, rán thực phẩm.
- Chế biến tái, các món thịt, cá sống, chưa qua xử lí nhiệt.
- Các món ăn chế biến cay nóng, nhiều gia vị.
- Các món ăn chế biến bằng phương pháp muối chua, tính acid cao.

4.Chú ý các chất kích thích
Rượu, bia, thuốc lá là những chất kích thích rất có hại cho cơ thể, bạn nên tránh sử dụng tối đa. Không chỉ khiến cho tiêu hóa của bạn bị ảnh hưởng, gây tăng tiết acid dạ dày mà các loại chất kích thích này còn khiến cho nhiều cơ quan khác bị ảnh hưởng như: gan, tụy, mật,… Thuốc lá còn làm tăng nguy cơ ung thư phổi và ung thư vòm họng.
Một số chất kích thích khác như trà và cà phê tuy có nhiều lợi ích nhưng bạn cũng không nên lạm dụng nhiều bởi chúng cũng gây ra tình trạng tăng tiết acid dạ dày. Bạn cũng không nên uống trà và cà phê khi đang đói, sẽ không tốt cho dạ dày của bạn.

5.Sử dụng thực phẩm ngọt có chừng mực
Đường trong các loại thực phẩm ngọt đòi hỏi cơ thể bạn cần nhiều thời gian hơn để xử lý. Ngoài ra, sử dụng nhiều thực phẩm ngọt cũng kéo theo các vấn đề về tim mạch, tiểu đường. Bạn nên cân nhắc với một số thực phẩm ngọt như:
- Sữa có đường.
- Nước giải khát có gaz.
- Chocolate.
- Bánh ngọt.
- …

Để xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người viêm loét dạ dày, bạn có thể tham khảo: Bị viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn gì?
6.Tránh lạm dụng các loại thuốc điều trị
Một số loại thuốc điều trị khi dùng không đúng cách, nhất là dùng trong một thời gian dài có thể dẫn đến các tổn thương cho niêm mạc dạ dày của bạn. Đặc biệt là các loại thuốc dùng trong điều trị xương khớp, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm,… Chính vì vậy bạn cần lưu ý sử dụng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, tránh quá liều để đảm bảo sức khỏe. Không nên tự ý sử dụng thuốc bừa bãi.

7.Chú ý kiểm soát cân nặng
Cân nặng quá khổ cũng là vấn đề có thể gây ra nhiều áp lực lên hệ tiêu hóa, xương khớp. Người thừa cân thường tập trung nhiều mỡ quanh vùng bụng, từ đó tạo ra một sức ép lên dạ dày, khiến cho dạ dày của bạn bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn hơn khi tiêu hoá.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ của việc tăng cân không kiểm soát và chứng nghiện ăn. Người bị thừa cân thường có xu hướng ăn uống nhiều hơn so với mức nhu cầu mà cơ thể họ cần. Điều này đồng nghĩa với việc dạ dày phải làm việc quá sức thường xuyên hơn.

8.Vấn đề tâm lý
Rất nhiều người sau một thời gian bị stress do công việc, học tập và các vấn đề khác thì phát hiện mình bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày. Các chuyên gia lý giải khi cơ thể bị stress, não bộ sẽ gặp rối loạn trong việc điều chỉnh lượng acid dạ dày tiết ra để tiêu hóa thức ăn. Chưa kể trong quá trình stress, bệnh nhân cũng thường có xu hướng ăn uống thất thường, ăn không đúng bữa, bỏ bữa,… gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
9.Phòng ngừa nhiễm khuẩn
Mặc dù môi trường acid trong dạ dày của bạn có thể tiêu diệt được phần lớn vi khuẩn xâm nhậm. Tuy nhiên vẫn có một số loại vi khuẩn hiếm hoi có thể xâm nhập vào dạ dày. Phổ biến nhất là xoắn khuẩn Helicobacter pylori trong dạ dày (gọi tắt là vi khuẩn HP). Do có thể xâm nhập vào dưới lớp nhầy niêm mạc, loại vi khuẩn này có thể tránh được sự tác động của acid dạ dày.
Một số chủng vi khuẩn HP được xem là nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày cũng như một số vấn đề khác về sức khỏe. Do đó phòng ngừa vi khuẩn Hp dạ dày bằng các biện pháp giữ vệ sinh chung, tránh các thói quen ăn uống chung, gắp thức ăn cho nhau cũng như dùng chung chén nước chấm,…

Nhiều người Việt Nam không biết rằng thói quen ăn chung dễ lây nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phòng ngừa viêm loét dạ dày là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình, tránh được những ảnh hưởng không mong muốn đến sinh hoạt và đời sống. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa trên cũng sẽ giúp bạn xây dựng cho bản thân và gia đình lối sống lành mạnh, đảm bảo sức khỏe.
Chúc bạn áp dụng thành công.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!